Thường xuyên theo dõi các chỉ số cơ thể
Bạn nên theo dõi các chỉ số cơ thể thường xuyên để biết được hướng điều chỉnh trong thói quen ăn uống và vận động hàng ngày. Hai chỉ số cơ bản nhất bạn cần lưu tâm đến chính là cân nặng và chiều cao. Từ hai số đo này, bạn sẽ tính được BMI (Body Mass Index) – chỉ số hình thể được các chuyên gia dùng để nhận biết cơ thể của một người đang thiếu cân, cân đối hay thừa cân. Công thức tính chỉ số BMI như sau:
Công Thức tính BMI của cơ thể
Nếu chỉ số BMI của bạn nằm trong khoảng từ 18.5 – 25, xin chúc mừng, bạn có một thể trạng khỏe mạnh và vóc dáng cân đối. Nếu dưới 18.5 hay trên 25, bạn có thể phải xem lại chế độ ăn uống và luyện tập để có thể trở về thể trạng tiêu chuẩn. Theo dõi sức khoẻ cơ thể bằng chỉ số BMI chỉ mất vài phút thực hiên; do vậy, bạn hãy theo dõi ít nhất mỗi tháng một lần để có thể điều chỉnh lối sống và duy trì thể trạng cân đối khoẻ mạnh nhé.
Ghi lại nhật ký ăn uống
Ghi lại nhật ký ăn uống hằng ngày để dễ dàng theo dõi chế độ
Có một sự thật là con người thường không để tâm đến những gì mình ăn và có xu hướng ăn uống theo cảm xúc. Chính điều này khiến ta thường ăn không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết nhưng lại nạp vào cơ thể quá nhiều các chất có hại như đường hay dầu mỡ, dẫn đến nhiều bệnh lý liên quan đến tiêu hoá và tuần hoàn.
Việc ghi lại nhật kí ăn uống sẽ giúp bạn biết rằng mình đã ăn gì trong hôm nay. Từ đó, bạn có thể bổ sung hay cắt giảm khẩu phần ăn hợp lý hơn, đầy đủ chất hơn, và tốt cho sức khoẻ hơn. Một nghiên cứu gần đây trên 1.800 người trưởng thành cho thấy những người thực hiện nhật kí ăn uống kiểm soát cân nặng tốt hơn hẳn những người không viết. Những người có nhu cầu giảm cân cũng thực hiện hiệu quả hơn khi giữ thói quen ghi chép lại từng loại thực phẩm nạp vào cơ thể.
Có 2 điều bạn cần lưu ý khi thực hiện “Nhật ký ăn uống”. Thứ nhất, bạn cần ghi lại ngay khi ăn, đừng chờ đến tối hay hôm sau để tránh việc bỏ sót. Và khi bỏ sót, bạn sẽ rất dễ mất động lực để ghi chép về sau, dẫn đến nhật ký chưa đầy trang đã thành dĩ vãng. Thứ nhì, bạn phải thành thật với bản thân. Quyển nhật ký này là của riêng bạn, và sẽ chẳng ai có thể đọc được danh sách này để đánh giá bạn. Do đó, bạn không cần phải cắt bớt những gì bạn đã “lỡ” ăn trong ngày nhé.
Siêng năng vận động
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ có những ai cần giảm cân mới phải tập thể dục. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Nếu muốn sở hữu sức khoẻ dẻo dai và thể trạng cân đối, ai trong chúng ta cũng cần phải luyện tập thể dục. Chỉ với 30 phút vận động hằng ngày, bạn sẽ có thể phòng chống được nhiều bệnh tật như huyết áp cao, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch, và thừa cholesterol. Ngoài ra, khoa học chứng minh việc luyện tập thể dục còn đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư đường ruột và ung thư cổ tử cung. Không chỉ vậy, việc vận động còn giúp cơ thể tiết ra hooc môn endorphine, giúp tinh thần sảng khoái và giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Ở Anh Quốc, các nhà khoa học chỉ ra rằng, nhờ ý thức vận động của người dân mà mỗi năm cả nước giảm khoảng 3.400 ca ung thư. Quả là một con số ấn tượng phải không?
Bạn cũng không nhất thiết phải đến các câu lạc bộ thể dục để có thể luyện tập thể thao. Hãy bắt đầu một cách đơn giản với việc thay đổi thói quen vận động hằng ngày như dành 10 phút buổi sáng để dãn cơ và hít thở sâu, lựa chọn gửi xe cách cơ quan vài dãy nhà để có thể đi bộ một chút, siêng năng đi cầu thang bộ thay vì thang máy,… Bạn cũng có thể làm quen với những môn thể thao nhẹ nhàng và ít tốn kém như đi bộ nhanh (jogging), nhảy dây, yoga,…
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Khám sức khỏe định kỳ
Dù bạn vẫn đang trẻ, luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật, bạn vẫn nên kiểm tra sức khỏe định kì để theo dõi sức khoẻ từng cơ quan của cơ thể, đồng thời có thể phát hiện những triệu chứng về sức khỏe và có các biện pháp điều trị kịp thời. Phát hiện nguy cơ bệnh càng sớm và điều trị kịp thời sẽ gia tăng khả năng khỏi bệnh.
Vậy khoảng bao lâu bạn cần đến thăm khám tổng quát sức khoẻ. Lý tưởng nhất thì bạn khám định kì hằng năm. Tuy nhiên, mức độ thường xuyên này có thể gia giảm theo độ tuổi và tình trạng sức khoẻ của bạn. Nếu bạn dưới 30 tuổi và không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (như thừa cân, chán ăn, vàng da,…) và không có thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia thì có thể kiểm tra 2–3 năm/ lần. Từ 30 – 40 tuổi, bạn có thể kiểm tra cách mỗi năm một lần. Từ 50 tuổi trở lên, việc kiểm tra hàng năm là cần thiết dù thể trạng không có vấn đề nhé bạn.
Ngủ đúng giờ và ngủ sâu
Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày
Việc ngủ không chỉ đơn giản là việc để cơ thể nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng sau một ngày lao động căng thẳng. Giấc ngủ ngon sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích sức khoẻ không ngờ như cải thiện trí nhớ, kiểm soát cân nặng và tăng cường năng suất làm việc vào ngày hôm sau. Không chỉ vậy, việc ngủ đủ và ngủ sâu còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh về phổi và tim mạch, thậm chí kéo dài tuổi thọ của con người.
Vậy ngủ bao nhiêu là đủ? Theo thông tin từ Tổ chức ngủ quốc gia của Mỹ, để duy trì sức khoẻ tốt, một người từ 64 tuổi trở xuống cần ngủ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Con số ngày với người từ 65 tuổi trở lên là 7 đến 8 tiếng. Ngoài ra, bạn cần chú ý đến việc cải thiện không gian và thói quen chuẩn bị trước khi ngủ để có một giấc ngủ ngon.
Một sức khỏe tốt là tiền đề cho một cuộc sống hạnh phúc. Hãy kiên nhẫn tập luyện 5 thói quen hữu ích này đều đặn mỗi ngày bạn nhé!